Tin tức y tế

Nguyên nhân bất ngờ gây tăng huyết áp trong giai đoạn chuyển mùa

Chuyentieuduong.vn – Tương tự bệnh nhân tiểu đường, người mắc chứng cao huyết áp cũng phải chấp nhận chung sống với căn bệnh trường kỳ này. Gần đây, một nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp trong giai đoạn chuyển mùa đã được giới chuyên gia chỉ rõ, khiến nhiều người bất ngờ.

1. Mùa chuyển, kéo theo… huyết áp tăng

Trao đổi với cây bút Chuyện tiểu đường, bà Phạm Chi Lan (58 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, bà đã bị mắc bệnh cao huyết áp khoảng 10 năm nay.

“Có một hiện tượng lạ mà tôi phát hiện là, cứ đến giai đoạn giao mùa, đặc biệt là từ mùa Hè sang mùa Thu, hoặc từ mùa Thu sang Đông, là tình trạng tăng huyết áp của tôi lại diễn biến bất thường, dù tôi vẫn duy trì việc dùng thuốc hạ huyết áp đều đặn”, bà Lan cho biết.

Tương tự, ông Nguyễn Chí Đồng (51 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), cũng nhận thấy tình trạng huyết áp tăng cao hơn vào giai đoạn chuyển mùa.

“Tôi nghĩ đơn giản là khi thời tiết thay đổi thì cơ thể của mình cũng biến đổi, dẫn tới huyết áp tăng”, ông Đồng bày tỏ.

Đa phần người bị cao huyết áp sẽ nghĩ tới lý do như đã nêu trên. Tuy nhiên, theo chia sẻ của Dược sĩ Vũ Thùy Dương, có một nguyên nhân dẫn tới tình trạng tăng huyết áp mà ít người biết, trong thời gian giao mùa.

Đó là khi chuyển mùa, nhiều người bị dị ứng (nổi mề đay, ngứa, ngạt mũi, chảy nước mắt…). Đây đều là những vấn đề rất khó chịu, nên người mắc có xu hướng nhanh chóng tìm thuốc để xử lý.

=> Xem thêm: Mối quan hệ giữa tiểu đường và tăng huyết áp là gì?

2. Nguyên nhân gây tăng huyết áp

Một trong số những loại thuốc thường được dùng để chống dị ứng là thuốc kháng histamine. Loại thuốc này không trực tiếp gây tăng huyết áp, tuy nhiên, Dược sĩ Vũ Thùy Dương chỉ ra rằng, nhiều thuốc kháng histamine lại được phối chung với thuốc thông mũi như pseudoephedrine và phenylephrine.

Những thành phần như pseudoephedrine và phenylephrine là nguyên nhân dẫn đến tình trạng tăng huyết áp. Trong đó, các loại thuốc này làm co mạch máu, mở đường mũi để dễ thở hơn.

Tuy nhiên, không chỉ làm co mạch máu ở mũi, những thành phần thuốc trên còn gây co mạch ở cơ thể, làm tăng huyết áp.

thuoc-tri-di-ung
Là loại thuốc trị dị ứng, thuốc kháng histamine có thể bị “hiểu lầm” là nguyên nhân gây tăng huyết áp

Như vậy, có thể nói thuốc kháng histamine không phải nguyên nhân trực tiếp gây tăng huyết áp, mà thành phần phối hợp với thuốc này mới là “thủ phạm”.

Do đó, khi người bị dị ứng dùng các loại thuốc thông mũi, họ có thể cẩn thận tra thành phần thuốc kháng histamine và yên tâm sử dụng, nhưng không ngờ huyết áp vẫn bị tăng.

2. Khắc phục tình trạng tăng huyết áp khi dùng thuốc kháng histamine

Theo Dược sĩ Vũ Thùy Dương, nếu dùng thuốc kháng histamine để trị dị ứng, thì người dùng (vốn bị cao huyết áp) cần lựa chọn loại kháng histamine đơn thuần, không phối hợp với những thành phần thuốc có thể gây co mạch, tăng huyết áp.

Cùng với đó, một lời khuyên quen thuộc nhưng chưa bao giờ thừa, là mọi người cần tham khảo ý kiến của bác sĩ, dược sĩ trước khi lựa chọn loại thuốc cho mình, đặc biệt là những loại thuốc xử lý tình trạng dị ứng.

Ngoài ra, mọi người cần lưu ý rằng, những yếu tố ảnh hưởng tới tình trạng huyết áp cao còn có: Thừa cân; Ăn nhiều muối; Hút thuốc lá; Uống rượu nặng thường xuyên; Ít vận động, Stress.

Do vậy, trong thời điểm giao mùa, người bị cao huyết áp cần điều chỉnh tích cực hơn để hạn chế các yếu tố bất lợi, tránh gây tăng nặng tình trạng bệnh của mình.

Tâm Phúc – chuyentieuduong.vn

Bài tương tự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn từ chuyên gia