Câu chuyện tiểu đường

Phút yếu lòng của người đàn ông trẻ khi hay tin mắc bệnh tiểu đường

Chuyentieuduong.vn – Ở mỗi gia đình, người đàn ông được xem là trụ cột, là lá chắn cho vợ con. Nhưng có đôi khi, họ cũng yếu lòng, sợ hãi mỗi khi bị bệnh. Người đàn ông trong câu chuyện này cũng vậy, anh sợ sệt, lo lắng về bệnh đến mức nghĩ quẩn…

Nỗi niềm của thanh niên IT

“Tôi là dân IT, cái nghề mà cả ngày phải ngồi làm việc với máy tính, người ngợm thụ động, cục mịch trông rất chán.

Tuy là vậy nhưng tôi yêu thích công việc và làm quên giờ giấc, mỗi ngày tôi có thể vùi đầu vào máy tính hơn 12 tiếng. Có khi lượng công việc quá tải, tôi làm thâu đêm đến tận rạng sáng.

Thời gian tập tành, tập luyện của tôi từ đó cũng hạn chế, tôi không vận động nhiều nên mỗi bữa, tôi chỉ ăn được lưng bát cơm. Tuần vừa rồi, vì nhiều dự án nên phải làm việc đến tận 3-4 giờ sáng, người lúc nào cũng trong trạng thái mơ màng, lâng lâng vì thiếu ngủ.

Có lẽ vì thế, mắt tôi mờ đi, tôi thấy khát nước và thèm đồ ngọt. Tôi vội ra quán làm nguyên hai cốc nước ép dưa hấu ngọt lịm, thơm lừng. Xong xuôi, trưa, tôi về nhà, lăn ra ngủ.

Tuổi trẻ và giây phút “xem thường” sức khỏe

Tôi nghĩ thầm, chắc tại tuần vừa rồi, mình làm việc quá sức nên người mới mệt mỏi, ngủ một giấc là khỏe ngay.

Nhưng những ngày sau đó, tôi đều buồn ngủ ríu mắt, người mệt rã rời, không thể tập trung cho nổi.

Đến ngày công ty tổ chức hiến máu từ thiện, đi xét nghiệm, tôi mới biết mình bị tiểu đường. Và các biểu hiện mắt mờ, mệt mỏi, khát nước, buồn ngủ kia là một số triệu chứng ban đầu mà tôi đã chủ quan bỏ qua.

Bác sĩ hỏi lại tôi bị lâu chưa? Tôi ngớ người không biết bệnh tiểu đường là gì. Vì trước giờ, tôi thấy người mệt, ngủ nhiều thì cứ đinh ninh là mình làm việc quá sức, đâu biết bị tiểu đường. Thú thật, cực chẳng đã, công ty hết người, tôi mới phải hiến máu vì tôi rất sợ kim tiêm.

>> Bấm vào đây để gửi câu hỏi tư vấn, trao đổi với cây bút Tâm Hồng – chuyentieuduong.vn

lam-viec-dem-khuya
Làm việc cả ngày với máy tính, giờ giấc sinh hoạt không ổn định. Người đàn ông ngạc nhiên khi mình bị tiểu đường

3. “Chết đứng” khi nghe tin mình bị tiểu đường

Tôi nghe ra hốt hoảng quá, hỏi vội bác sĩ rằng bệnh này có nguy hiểm không? Tôi nằm viện chữa trị thì bao lâu sẽ khỏi?

Tôi mong chờ một câu trả lời với khoảng thời gian nhất định, nhưng “chết đứng” khi nghe bác sĩ bảo bệnh này là bệnh mãn tính, không chữa khỏi được.

Người bị tiểu đường type 1 còn phải tiêm insulin vào máu trước mỗi bữa ăn để kiểm soát đường huyết. Nghe đến tiêm thôi, mà còn tiêm hàng ngày khiến tôi nổi gai ốc vì sợ. Đầu óc tôi chao đảo vì phải tiêm insulin hàng ngày như cơm bữa.

Đường huyết tôi lên cao vù vù, tận 20,8 mmol/L. Tôi phải nhập viện để theo dõi thêm. Sau khi được truyền nước và tiêm insulin, tôi thấy người khỏe lại. Tôi được đưa về Khoa Nội tiết để điều trị cùng với rất nhiều người bệnh tiểu đường khác.

Tôi sợ hãi vì trong phòng toàn là người già, chân tay khẳng khiu và chỉ còn da bọc xương. Các bác ấy bằng tuổi bố mẹ mình mà đi đứng chậm chạp, mặt buồn rười rượi, trông rất khắc khổ.

4. Hoang mang trước căn bệnh tiểu đường

Tự mình tìm hiểu thêm về bệnh tiểu đường, thông tin tôi đọc được đều là bệnh tiểu đường không chết ngay. Mà khiến con người ta chết dần chết mòn bởi biến chứng hiểm nghèo từ bệnh gây ra.

Người bệnh tiểu đường type 2 có thể kiểm soát đường huyết tốt nhờ ăn uống hợp lý. Tập luyện và uống thuốc đều đặn. Còn người bị tiểu đường type 1 như tôi sẽ phải tiêm insulin suốt đời mà tuổi thọ còn tương đối ngắn.

Tôi đã khóc khi đọc đến đây. Tôi là người sợ tiêm lại trong độ tuổi sung sức. Tôi là trụ cột một gia đình với 2 đứa con nhỏ đang chờ sữa mỗi ngày. Tôi phải làm sao đây?

Tôi lao vào làm viêc cũng chỉ để dành dụm tiền bạc cho gia đình nhỏ, xây cho bố mẹ ở quê một ngôi nhà khang trang.

Bố mẹ tôi sẽ không phải sống dưới căn nhà lụp xụp, thi thoảng nước lại mấp mé ngập vào trong nhà nữa. Giờ đây, tôi thấy mình như một con bệnh, sức khỏe yếu, không còn làm được nhiều việc như trước.

Tôi ham việc mà hàng ngày phải phụ thuộc vào thuốc mới vận động được thì tôi chết mất. Nghĩ đến thế thôi, tôi đã thấy khó thở, bức xúc. Tôi không muốn mọi người phải phiền muộn vì tôi.

5. Tâm trạng bất lực

>> Bấm vào đây để gửi câu hỏi tư vấn, trao đổi với cây bút Tâm Hồng – chuyentieuduong.vn

Tôi đã nghĩ đến cái chết trong lúc rối trí, vô dụng và bất lực. Hay là mình làm vài liều thuốc chuột chết quách cho xong, đỡ phiền hà và tốn thêm tiền chữa bệnh. Bản thân tôi cũng không còn phải chịu những ngày mũi kim chọc vào cơ thể nữa.

Những ngày điều trị về sau, tôi thấy mình bị ám ảnh kinh khủng, mỗi lần điều dưỡng chích và tiêm thuốc là một lần chịu trận. Nghĩ đến cảnh ăn uống với gia đình, họ hàng, trước khi ăn đều phải “đá” insulin như thằng nghiện. Nhiều người không hiểu lại nghĩ tôi tiêm chích ma tuý thì…

Tôi lờ mờ nhớ về khoảng thời gian tôi lao vào công việc quên cả vợ con. Đến khi bị bệnh, tôi mới quý giá từng giây phút bên gia đình như thế nào.

gia-dinh
Người đàn ông nhớ cảm thấy hối tiếc về khoảng thời gian vùi đầu vào công việc mà quên đi vợ con

Trong lúc rối trí, túng quẫn thì tôi nghe tin bố ở quê ốm nặng. Quên cả bệnh tật, tôi xin xuất viện và cùng vợ con bắt vội chuyến xe tối muộn về quê. Lạ thay, bố mẹ tôi vẫn đang ở ngoài ruộng gặt lúa.

Vừa thấy tôi, bố mừng rỡ gạt phắt tay, bảo: “Ôi giời, mấy cái bệnh vặt, bố ốm nhẹ, khỏe rồi!”. Bố bảo là vậy nhưng bố ho khụ khụ cả đêm. Đêm ấy, bố tôi ra đầu hè ngồi, bố bảo dạo này, bố khó ngủ, ho một tý nhưng bố khỏe. Vẫn đi làm đều, không đi làm khéo lại ốm nặng.

Động lực từ cha mẹ

Bố mẹ tôi già và phải làm việc vất vả, nhưng chưa bao giờ bố mẹ tôi từ bỏ, uể oải trong công việc, bố mẹ tôi rất hăng hái và dai sức.

Tôi ở quê vài 3 hôm, bỗng thấy yêu đời lạ. Tôi thấy quý trọng từng giây phút sống khỏe hơn. Tôi nhớ về hình ảnh người đàn ông từng đi khám cùng, dù đã 60 tuổi. Sống cùng việc tiêm insulin đến 20 năm, ông ấy nghèo, cô đơn mà vẫn yêu đời, lạc quan hơn tôi rất nhiều. Không lẽ một thanh niên sung sức như tôi lại dễ dàng từ bỏ đến vậy???

Bố tôi bảo còn trẻ, còn hoài bão, con hãy nhìn những người bị bệnh hiểm nghèo, họ vẫn giành giật từng giây để được sống bên gia đình. Vậy mà một thanh niên trai tráng như tôi, mới phát hiện bệnh mà đã như trời đất sụp đổ. Không có chút tinh thần nào.

Ngẫm lại, tôi được nhiều hơn mất, tôi may mắn hơn rất nhiều người, vẫn còn trí tuệ. Còn sức lực để làm một vài công việc phù hợp với khả năng của bản thân.

Tôi ngước mặt nhìn lên trời thật rộng lớn, hôm thì có mây, hôm thì mưa, hôm lại nắng. Các hiện tượng mây, mưa có phải chăng cũng như những căn bệnh mà mình đang có. Chúng chỉ che lấp tầm nhìn của ta mà chưa bao giờ che lấp được cả một bầu trời rộng lớn…

Bởi vậy, những suy nghĩ tiêu cực từng lởn vởn trong đầu tôi trước đây đã bị giội sạch kin kít. Sau khi tôi hít căng lồng ngực với bầu không khí trong lành ở quê. Tôi tự thề với lòng mình rằng, sẽ không bao giờ để bản thân u ám vì bệnh tiểu đường như trước nữa!”.

Anh Nguyễn Q. (33 tuổi, ở quận Cầu Giấy, Hà Nội), gửi câu chuyện đến với Chuyện tiểu đường.

Tâm Hồng – chuyentieuduong.vn

Bài tương tự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn từ chuyên gia