Hỏi - Đáp tiểu đường Kiến thức tiểu đường

Hạ đường huyết dù có chỉ số “đẹp”: Liệu có bất thường?

Chị Nguyễn Thị Thu Trang (31 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội), gửi câu hỏi đến Chuyện tiểu đường:

“Tôi phát hiện mắc tiểu đường type 2 đã 2 năm nay. Dạo gần đây, tôi thấy mình mệt lả, bủn rủn chân tay, hay vã mồ hôi, mặc dù đường huyết vẫn giữ ở mức 6-7mmol/l. Xin hỏi tại sao đường huyết của tôi ổn định mà lại có những biểu hiện của người hạ đường huyết? Tôi cũng bị hạ huyết áp mỗi lần hạ đường huyết, vậy hai hiện tượng này có quan hệ gì với nhau không?”.

Chào chị Trang, cảm ơn chị đã gửi câu hỏi đến Chuyện tiểu đường, xin được trả lời chị như sau:

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống dưới mức bình thường. Người bệnh tiểu đường có chỉ số đường huyết dưới 3,9mmol/l được coi là hạ đường huyết.

Tuy nhiên, một số trường hợp người bệnh có ngưỡng đường huyết cao hơn bình thường, nên khi thấy biểu hiện mệt lả, bủn rủn tay chân hay toát mồ hôi… đường huyết 6-7mmol/l thì vẫn là hạ đường huyết.

Chị có thể đã bị bệnh tiểu đường trong 2 năm, việc đường huyết bị thăng giảm trong thời gian đầu sẽ gây ra các xáo trộn trong hệ thống thần kinh. Cơ thể chị đã coi mức đường huyết ở tầm 8-9mmol/l là mức bình thường, nên khi hạ xuống 6-7mmol/l thì mức mới này sẽ coi là mức đường huyết thấp.

Hiện tượng này của chị sẽ cần một thời gian nữa mới ổn định về lại mức bình thường. Cơ thể con người thường sẽ không phải chuyển hóa sang một trạng thái mới ngay lập tức, con người trải qua một giai đoạn giao thời có những biến động nhẹ bất thường.

Người bệnh tiểu đường cũng sẽ có khoảng thời gian giao thời, khi điều trị thời gian đầu có những triệu chứng bất thường như vậy. Sau một khoảng thời gian, các triệu chứng bất thường này sẽ sớm biến mất, cơ thể sẽ được tự cân bằng, các chỉ số đo cũng sẽ theo quy tắc bình thường.

>> Bấm vào đây để gửi câu hỏi tư vấn, trao đổi với cây bút Hồng Phúc – chuyentieuduong.vn

Chị cũng bị hạ đường huyết kéo theo triệu chứng hạ huyết áp, thực ra các biểu hiện của hai bệnh này tương đối giống nhau. Huyết áp thấp và hạ đường huyết có thể là hai bệnh lý riêng lẻ, nhưng chúng có những ảnh hưởng tương quan mật thiết với nhau.

Hạ đường huyết thì liên quan đến sự chuyển hóa chất đường trong cơ thể, còn hạ huyết áp là bệnh lý liên quan đến tim mạch. Chị có thể bị ảnh hưởng bởi việc cơ thể hạ đường huyết đột ngột, tăng áp lực lên tim mạch, điều này khiến huyết áp có xu hướng tụt theo.

Người bệnh tiểu đường cao tuổi cần chú ý huyết áp

Để phòng tránh cả hai trường hợp này, chị cần có những lưu ý sau khi thấy hiện tượng hạ đường huyết và hạ huyết áp.

Khi người bệnh tiểu đường bị hạ đường huyết nên dừng tất cả các công việc đang làm, bổ sung đường huyết bằng một chiếc kẹo ngọt, súp, hoặc một cốc nước đường loãng. Trường hợp nghiêm trọng có thể đến gặp bác sĩ để có thể có phương pháp điều trị tốt hơn.

Khi người bệnh tiểu đường bị tụt huyết áp nên nghỉ ngơi ở nơi thoáng mát, đầu hơi ngửa, nâng cao hai chân. Người bệnh có thể ăn một ít socola, uống trà gừng ấm để huyết áp cải thiện. Người bệnh không nên dùng các đồ uống có cồn, tránh việc phải đứng quá lâu ở một tư thế.

Chị cần lưu ý trong vấn đề ăn uống hàng ngày, cần ăn đủ bữa trong ngày, tránh ăn mặn, ăn đồ ngọt, thêm nhiều rau xanh vào trong bữa ăn. Buổi sáng nên ăn no, tập thể dục nhẹ nhàng 30 phút mỗi ngày, thường xuyên giữ tinh thần lạc quan vui vẻ.

Chuyện tiểu đường hy vọng với câu trả lời trên, chị Trang đã tự điều chỉnh cuộc sống sinh hoạt một cách tốt nhất, tránh được các biến chứng về tiểu đường và huyết áp.

Chúc chị có thật nhiều sức khỏe!

>> Bấm vào đây để gửi câu hỏi tư vấn, trao đổi với cây bút Hồng Phúc – chuyentieuduong.vn

Hồng Phúc – chuyentieuduong.vn

Bài tương tự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn từ chuyên gia