Hỏi - Đáp tiểu đường Kiến thức tiểu đường

Sản phụ bị tiểu đường thai kỳ nên ăn gì?

Chị Trương Thị Hằng, 32 tuổi ở Văn Giang, Hưng Yên gửi câu hỏi đến Chuyện tiểu đường:

“Tôi năm nay 32 tuổi, đang trong thời kỳ mang thai đứa con đầu lòng. Tháng trước khi đi khám thai định kỳ, bác sĩ báo với tôi bị mắc bệnh tiểu đường thai kỳ. Tôi rất lo lắng khi biết bệnh tiểu đường phải tránh ăn nhiều loại thực phẩm, liệu việc tránh ăn có ảnh hưởng đến thai nhi? Tôi cần có chế độ ăn uống như thế nào để có được sức khỏe tốt trong thời kỳ mang thai?”.

Chào chị Hằng, Chuyện tiểu đường xin trả lời câu hỏi của chị như sau:

Sản phụ bị tiểu đường thai kỳ hoàn toàn có thể sinh con một cách khỏe mạnh, nếu tuân thủ đầy đủ chế độ dinh dưỡng hợp lý. Sản phụ không nên quá hoang mang dẫn đến kiêng khem bừa bãi, gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Sản phụ bị tiểu đường thai kỳ có nhiều cách để điều chỉnh chế độ ăn trong khoảng cho phép, đảm bảo sức khỏe của cả sản phụ và thai nhi. Chế độ ăn uống lành mạnh luôn đề cao sự cân bằng và hài hòa của 4 nhóm thực phẩm: chất tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

>> Bấm vào đây để gửi câu hỏi tư vấn, trao đổi với cây bút Hồng Phúc – chuyentieuduong.vn

Sản phụ thay đổi những nhóm thực phẩm này như sau:

* Nhóm tinh bột

Đây là nhóm thực phẩm gây hoang mang nhất cho các sản phụ bị tiểu đường thai kỳ. Tinh bột cần thiết cho sự phát triển sức khỏe của thai nhi, nhưng sản phụ ăn nhiều tinh bột sẽ làm tăng đường huyết.

Để cải thiện tình trạng này, sản phụ nên ăn các loại thực phẩm nguyên cám như gạo lứt nguyên cám, ngũ cốc nguyên cám hay yến mạch nguyên cám. Thực phẩm nguyên cám này chứa nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất, nên sản phụ sẽ dễ tiêu hóa, làm chậm khả năng hấp thụ đường.

Sản phụ kiểm tra thường xuyên phát hiện sớm tiểu đường thai kỳ

* Nhóm đạm

Sản phụ bị tiểu đường thai kỳ vẫn ăn đầy đủ các loại đạm như bình thường, nhưng ưu tiên sử dụng đạm thực vật. Đạm thực vật chủ yếu đến từ các loại đậu như đậu nành, đậu đen, đậu tây… cung cấp cả chất đạm và chất xơ cho cơ thể.

Sản phụ chọn ăn các loại thịt theo thứ tự ưu tiên là cá, thịt gà, thịt lợn nạc, thịt đỏ để dễ hấp thụ. Trứng cũng là một trong những loại thực phẩm chứa nhiều protein có lợi cho cơ thể, sản phụ có thể ăn 1-2 quả mỗi ngày.

Sữa cho sản phụ bị tiểu đường thai kỳ nên chọn loại sữa ít béo, không đường để đảm bảo không làm tăng đường huyết đột ngột.

* Nhóm chất béo

Sản phụ bị tiểu đường thai kỳ nên dùng các loại chất béo có nguồn gốc thực vật như dầu ô liu, dầu hạt cải tốt cho sự phát triển của thai nhi. Sản phụ nên hạn chế tối đa các loại mỡ động vật, nội tạng, bơ kem phô mai.

Axit béo omega-3 là loại chất béo quan trọng cho sản phụ để phát triển tim và não của thai nhi. Sản phụ lựa chọn các loại cá có nhiều chất béo, ít độc tố như cá hồi, cá trích, cá mòi…

* Nhóm vitamin và khoáng chất

Vitamins và khoáng chất chủ yếu có trong rau củ quả, nên mỗi ngày sản phụ cần ăn đủ số lượng rau từ 500g đến 1kg. Các loại rau lá xanh được ưu tiên ăn bởi có nhiều chất xơ, giúp làm chậm quá trình hấp thụ đường trong cơ thể.

Hoa quả cũng nên ăn ở một mức hạn chế, tránh các loại quả chứa nhiều đường như dưa hấu, sầu riêng, mít mật…

Món ăn bổ dưỡng cho sản phụ bị tiểu đường thai kỳ

Một số lưu ý trong quá trình chế biến thực phẩm và ăn uống cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ:

* Sản phụ chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, mỗi bữa cách nhau 2-3 giờ để phân bổ lượng tinh bột ổn định cả ngày.

* Các phương pháp nấu ăn được khuyến khích là hầm, luộc, nấu canh, để đảm bảo thực phẩm dễ hấp thụ hơn. Sản phụ hạn chế ăn các món chiên, xào, nướng bởi sẽ làm phân rã các phần tử trong thức ăn nhanh hơn, tạo ra nhiều chất độc hại khó hấp thụ.

* Sản phụ nên ăn chậm, nhai kỹ để thực phẩm vào dạ dày không mất nhiều năng lượng tiêu hóa. Cơ thể càng mất nhiều năng lượng tiêu hóa thức ăn sẽ càng mất nhiều đường hơn, dẫn đến việc phải nạp thêm để bù lại.

* Sản phụ có một cuốn sổ để ghi lại lượng đường huyết trước và sau khi ăn, để bác sĩ có thể từ đó xác định tình trạng tiểu đường thai kỳ một cách chính xác hơn.

>> Bấm vào đây để gửi câu hỏi tư vấn, trao đổi với cây bút Hồng Phúc – chuyentieuduong.vn

Chuyện tiểu đường hy vọng những câu trả lời trên, sẽ giúp chị Hằng có được sự an tâm về vấn đề tiểu đường thai kỳ trong thời gian sinh sản.

Chúc chị khỏe mạnh và vui vẻ!

Hồng Phúc – chuyentieuduong.vn

Bài tương tự

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Tư vấn từ chuyên gia